Vật lạ trong cơ thể

Nhiều loại vật liệu y tế được các bác sĩ (BS) chuyên khoa chủ động đặt vào cơ thể để giúp vết thương mau lành, đoạn gãy xương chóng liền lại, nong rộng mạch máu… Nhưng, dù được vô trùng, chúng vẫn là những dị vật và cần phải được theo dõi cẩn thận để tránh những biến chứng hoặc di chứng.

Khi chỉ khâu trở thành dị vật

Theo ThS-BS Trần Vĩnh Hưng – Giám đốc BV Đa khoa khu vực Thủ Đức, loại vật liệu y tế thường gặp nhất trong các trường hợp ngoại khoa là chỉ khâu. Chỉ khâu có nhiều loại: chỉ tiêu nhanh, chỉ tiêu chậm, chỉ không tiêu. Mỗi một vùng, mỗi một vết thương sẽ có những chỉ định dùng chỉ khác nhau. Loại chỉ tự tiêu có thể làm từ ruột động vật (cừu, mèo) với thời gian tự tiêu thường 10 – 20 ngày. Hoặc với các vết thương ở cơ, gân, thực quản, ruột, khí quản, người ta có những loại chỉ đặc biệt có thể tự tiêu sau mổ từ 60 – 90 ngày.

BS Hưng cho biết: “Tác dụng của chỉ khâu trong phẫu thuật là giữ vết thương mau lành. Nhưng xét cho cùng, nó chỉ là một dị vật đối với cơ thể, cũng có thể làm nhiễm khuẩn vết thương nếu vết thương không được chăm sóc tốt. Đặc biệt, chỉ khâu không tiêu, khi đến ngày cắt chỉ, bệnh nhân cần phải được đến BV để loại bỏ. Không ít trường hợp khi bệnh nhân quay trở lại BV, chỉ khâu trở thành một chướng ngại vật, làm vết thương không được lành đẹp, gây ra những viêm nhiễm, cản trở quá trình vệ sinh. Tùy vào vị trí vết thương, chỉ không tiêu có thể được cắt bỏ sau năm – bảy ngày (vùng đầu, vùng mặt), những vết thương được khâu sâu hơn như ở vùng bụng có thể để đến 10 ngày, chỉ khâu ở vùng lưng có thể ở lại trên cơ thể đến 14 ngày, còn chỉ khâu ở chân kéo dài đến hai – ba tuần lễ”.

Theo các BS ngoại khoa, sưng, nóng, đỏ, đau có thể do vết thương bị căng tức, chỉ cần cắt bỏ một mối chỉ, mọi thứ trở lại bình thường. Những hiện tượng này còn có thể do vết thương bị ứ máu. Vì vậy, bệnh nhân phải tái khám để có hướng xử trí kịp thời.

Nẹp ốc, đĩa đệm cũng dễ di lệch

Theo bác sĩ, trong chấn thương chỉnh hình, rất nhiều “vật lạ” được các BS chủ động đặt vào cơ thể bệnh nhân, từ đinh, nẹp, vít bằng hợp kim dùng trong phẫu thuật kết hợp xương, cho đến các loại khung, đai, nẹp ngoài dùng trong điều trị gãy xương, chấn thương, chỉnh hình; khớp gối/khớp háng nhân tạo (toàn phần hay bán phần), xương bảo quản/sản phẩm sinh học thay thế xương; đốt sống nhân tạo, đĩa đệm trong phẫu thuật cột sống, vít tự tiêu trong nội soi khớp…

Mỗi loại xương có thời gian lành khác nhau. Ngay trên một xương, đầu xương và thân xương cũng có thời gian lành khác nhau. Xương càng to dài, thời gian lành càng lâu, có thể từ 1,5 – 2 tháng. Xương ngắn hơn sẽ lành trong vòng từ 4 – 6 tuần. Xương xốp hoặc đầu xương, xương sống, nhiều máu nuôi hơn sẽ mau lành hơn. Sau khi xuất viện, tùy vào loại gãy xương, bệnh nhân cần phải tái khám hàng tuần, sau đó là 2 – 4 tuần cho tới khi lành xương.

BS Trọng Anh cho biết: “Các vật liệu dùng trong chấn thương chỉnh hình thường được chế tạo để có thể lưu lại trong cơ thể. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân có sử dụng các loại nẹp ốc, đinh vít… cần phải tái khám sau mổ để BS đánh giá xem xương tiến triển như thế nào, đã lành chưa, và kiểm tra xem các vật liệu kết hợp xương này có đạt yêu cầu về vị trí, hiệu quả điều trị, kết hợp xương lại với nhau có tốt không. Không hiếm gặp những trường hợp do không tái khám, ốc vít bị di chuyển gây ra tổn thương mô da, gân cơ, khớp và thần kinh, mạch máu. Đặc biệt, lúc xương chưa lành, chỗ gãy là điểm yếu, chỉ cần một chấn động như té chống, va đập trực tiếp, nẹp vít bằng titan cũng có thể bị gãy lìa. Hoặc khi xương đã lành, các nẹp vít nằm lại trong cơ thể cũng có thể bung ra khỏi xương. Chẩn đoán khi tái khám rất đơn giản, chỉ bằng khám lâm sàng và chụp X-quang”.

Các loại vật liệu kết hợp này có chỉ định lấy ra khi chúng trở thành các “dị vật” gây ra những biến chứng (nhiễm trùng, cơ thể đào thải, vít chạy lạc chỗ, cộm dưới da, gây đau, mất chức năng kết nối) hay gây khó chịu cho người mang. Thời gian lấy dị vật ra chắc chắn phải đợi xương lành, có thể từ 9 – 12 tháng. Nếu dị vật này đã nằm lại quá lâu trong cơ thể (5 – 10 năm) mà không có biến chứng thì không nên lấy ra vì lúc mổ có thể gây tổn thương thần kinh, mạch máu, mô mềm hoặc gãy xương. Những triệu chứng cần theo dõi là sưng, nóng đỏ và đau nhức. Khi tái khám, BS sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách luyện tập, phục hồi chức năng hoạt động của gân, cơ, khớp của những phần xương đã bị gãy; kịp thời phát hiện những biến chứng hoặc di chứng có thể phát sinh do cuộc mổ hoặc do vật liệu.

You may also like

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *