Cơ sở thể dục thẩm mỹ (P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM hiện đang kiêm thêm dịch vụ massage (MS). Gọi là “MS thư giãn” nhưng thật khó thư giãn khi phòng MS nằm sát phòng tập aerobic luôn có tiếng nhạc sôi động. Thông tư 11/2001/TT-BYT (hướng dẫn điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bóp) quy định: nhân viên kỹ thuật xoa bóp ở phòng MS phải có chứng chỉ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật về xoa bóp do một trong các trường được Bộ Y tế chỉ định cấp. Nhưng tìm hiểu, chúng tôi được biết, cả ba “kỹ thuật viên” ở đây đều là em, cháu của chủ cơ sở ở dưới quê lên, vừa làm, vừa học việc từ… cô chủ. Đáng nói là cô chủ cũng chưa hề qua lớp đào tạo xoa bóp nào, mà chủ yếu học lóm được qua những lần đi MS ở các cơ sở khác.
H. (17 tuổi, quê Vĩnh Long) cho biết, “dễ ẹc, chỉ sau hai ngày cô chủ “truyền nghề” và nhìn hai nhân viên vào trước làm là em có thể MS cho khách”. Quy trình MS là 60 phút/suất gồm các thao tác: xoa, bóp, đấm, day, ấn huyệt, bẻ khớp… H. thật thà: “Em điểm huyệt bằng cách chọn… chỗ nào lõm trên lưng thì dùng sức ấn mạnh”. Dù biết rõ “tay nghề” của nhân viên MS ở đây nhưng không ít khách hàng cười xòa: “25.000đ/suất lẻ, 200.000đ/10 suất, rẻ như bèo còn đòi hỏi gì nữa!”.
Các thao tác massage cần chuẩn xác kỹ thuật và phù hợp thể trạng, sức khỏe từng người. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe |
Nhiều tiệm gội đầu, làm nail, cũng còn tận dụng cả phòng ngủ của nhân viên làm phòng MS. Dĩ nhiên là với cơ sở vật chất rất tạm bợ: giường MS không đúng kích thước, không có đệm chắc theo quy định, nhân viên tay ngang… Cơ sở MS M.A. (Q.Gò Vấp) giới thiệu: “chuyên MS, thiết bị hiện đại, mỹ phẩm chuyên dùng…” nhưng vào trong mới hay, tổng diện tích chừng 18m2, nhưng có tới năm giường, giữa các giường không hề được ngăn cách bởi ri-đô hay vách ngăn, khăn quấn người cho khách kiêm luôn khăn trải và được… tái sử dụng nhiều lần trong ngày.
Không thể kiểm soát
BS Nguyễn Minh Hùng – Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện chưa thể thống kê được hết các cơ sở MS trên toàn TP nhưng chắc chắn là có sự chênh lệch giữa số liệu và số cơ sở thực tế. Thanh tra Sở thường chỉ có thể kiểm tra, kiểm soát dựa trên danh sách các cơ sở đăng ký và các phản ánh. Còn lại, phòng Y tế quận, huyện phải có trách nhiệm tăng cường kiểm soát những cơ sở thuộc địa bàn mình quản lý.
Ngay cả các cơ sở MS có giấy phép cũng thường vắng mặt BS kỹ thuật và kỹ thuật viên sử dụng bằng giả là phổ biến. Kiểm tra 10 cơ sở, thì cả 10 đều sử dụng bằng giả, phần lớn kỹ thuật viên chỉ học nghề cấp tốc rồi MS cho khách.
Đó là chưa kể dịch vụ MS, tẩm quất dạo. Theo BS Trần Hữu Vinh – Trưởng phòng Quản lý y học cổ truyền Sở Y tế TP.HCM, “đội quân này rất hùng hậu, chủ yếu là tay ngang, học nghề theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, không hề qua các khóa đào tạo chuyên môn. Nếu không hiểu rõ bệnh lý, tình trạng sức khỏe và cơ địa của từng người để thực hiện kỹ thuật MS phù hợp thì nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng cho người được tẩm quất là rất lớn. Tuy nhiên, do họ hành nghề di động, dã chiến, nên rất khó kiểm soát…”.
BS Nguyễn Trọng Anh – Tổng thư ký Hội Y học Thể thao, lưu ý: với người có thể trạng yếu, nếu đấm bóp quá mạnh, dễ dẫn đến đau nhứt co rút cơ, dập cơ do chấn thương. Động tác bẻ khớp là kỹ thuật cao, đòi hỏi nhân viên phải được huấn luyện bài bản và người được MS phải thư giãn, thả lỏng người, không gồng mình. Nếu bẻ khớp không đúng kỹ thuật, sẽ làm trật khớp, rách dây chằng, bong gân… Đặc biệt ở đốt sống cổ và cột sống, là nơi tập trung tủy sống, trung tâm hô hấp, bẻ không đúng cách sẽ gây co rút cổ; nặng hơn sẽ bong gân cột sống, đơ cổ, dập tủy, yếu liệt tứ chi dẫn đến tử vong. MS không đúng kỹ thuật, ngoài những chấn thương tại chỗ kể trên, còn làm cho bệnh lý sẵn có nặng hơn (lên cơn đột quỵ, nhồi máu cơ tim…).