Đừng để thể dục thể thao trở thành nguyên nhân gây bệnh tật

Khởi động không kỹ, chơi quá tải khi cơ bắp không đủ sức, sử dụng dầu nóng không đúng cách, coi thường những cơn đau sau tập… đang làm cho môn thể thao bạn ưa thích trở thành nguyên nhân gây bệnh tật.

 

Đừng tưởng “nhiều” là tốt

Bà Nguyễn Thị N. (55 tuổi) thường đi bộ tập thể dục vào mỗi buổi sáng sớm. Một thời gian sau, bà N. bị đau gót chân và đầu gối. Nhiều bác sĩ chẩn đoán bà bị thoái hóa khớp gối và bị gai gót chân. Sau khi uống thuốc giảm đau, bà N. cảm thấy đỡ hơn, và bắt đầu đi tập thể dục lại. Những cơn đau khó chịu xuất hiện trở lại.

Bà N. đến kiểm tra tại phòng khám Y học thể thao bệnh viện An sinh. Qua kết quả X-quang, các bác sĩ phát hiện khớp gối của bệnh nhân này mọc một ít chồi xương, và bị vôi hóa cân gan chân (hay còn gọi là bị gai xương gót.) Bệnh do viêm chỗ bám của cân gan chân vào nơi xương gót.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bệnh nhân đã quá tải do đi bộ quá nhiều trên một khớp gối đã bị thoái hóa.

Hay một bệnh nhân khác, chị Trần Thị T. H. (40 tuổi) thường chơi tennis và bị đau khuỷu tay hai tuần nay. Mỗi khi đau, chị hay xoa dầu nóng hay dán salonpas. Ngay lúc đó, chị đỡ đau hơn, nhưng càng về sau, chị càng bị đau đến nỗi không thể lái xe hay chải đầu.

Chị H. bị viêm gân duỗi bám ở lồi cầu ngoài khuỷu tay do quá tải. Hơn thế nữa, chị đã không khởi động kỹ trước khi chơi tennis.

“Chơi quá sức khi cơ bắp không đủ mạnh, kỹ thuật không đúng, lưới vợt quá căng hay banh cũ hoặc ướt nước có thể sẽ làm cho bạn giã từ môn tennis yêu thích,” BS. Nguyễn Trọng Anh, Tổng Thư Ký – Hội Y học Thể dục Thể thao TP.HCM nói.

Để điều trị bệnh nhân cần phải nghỉ ngơi, chườm lạnh, và uống thuốc kháng viêm. Nếu một tuần không đỡ, bệnh nhân phải đến khám chuyên khoa, chụp X-quang, và điều trị bằng thuốc đặc trị, như tiêm corticoid phối hợp vật lý trị liệu. Nếu bị mãn tính, bệnh nhân có thể phải trải qua một đợt điều trị bằng nội soi hoặc phẫu thuật để đốt mô viêm và tập phục hồi sau mổ.

Những bệnh nhân trẻ hơn bị đau do chơi thể thao sai cách cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ tại các phòng khám chuyên khoa y học thể thao của bệnh viện FV và An Sinh. Bệnh nhân Lê T.V. (20 tuổi) đau vai từ hai tháng qua. Bệnh nhân chơi cầu lông thường xuyên.

Ban đầu, bệnh nhân không cảm thấy đau khi chơi, nhưng đến tốivai bắt đầu ê ẩm. Sau đó, bệnh nhân V. đau vai khi đang chơi . Để giảm đau, chị V. đã xoa dầu nóng. Càng về sau, bệnh nhân không thể giơ tay quá đầu, đưa tay ra sau lưng, và mất ngủ thường xuyên.

Đây là tình trạng viêm, rách gân chóp xoay do động tác lặp đi lặp lại trong một thời gian dài và chơi quá sức.

Bỏ quên bài khởi động và rèn luyện thể lực

Rất khó thống kê được có bao nhiêu bệnh nhân đi khám vì chơi môn thể thao này, môn thể thao kia. Nhưng các bác sĩ chuyên ngành y học thể thao nhận thấy, các bộ phận thường gặp chấn thương nhất là khớp gối, khối vai, khuỷu tay, cổ chân và đau lưng.

Theo BS. Nguyễn Trọng Anh, Tổng Thư Ký – Hội Y học Thể dục Thể thao TP.HCM, thông thường những nguyên nhân chính gây chấn thương khi chơi thể thao là chơi quá sức mà không tập luyện cơ bắp và không khởi động kỹ.

“Đi bộ giúp tăng cường tuần hoàn cho cơ thể, hạn chế loãng xương do tuổi tác. Nhưng nếu đi bộ không đúng cách, và quá nhiều sẽ làm mau mòn khớp gối và đau gót chân, nhất là phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh,” BS. Trọng Anh cho biết.

Bình thường khi đi lại, khớp gối chịu tải gấp 4 – 5 lần trọng lượng cơ thể, nên khớp gối dễ bị quá tải nếu vận động chịu tải quá nhiều, đặc biệt trong giai đoạn bắt đầu có loãng xương do tuổi.

Đối với các tổn thương do động tác lặp đi lặp lại trong một thời gian dài, nếu điều trị không đúng đắn, bệnh nhân có thể lâm vào tình trạng cứng khớp, mất đi chức năng của các chi.

Vì vậy, các bác sĩ y học thể thao nhấn mạnh: Để phòng tránh, trước khi chơi bất cứ một môn thể thao nào, người tập cũng phải làm nóng bằng các bài tập khởi động toàn thân trong khoảng 5 phút, kéo dãn khớp vai và không quên luyện tập sức mạnh cơ bắp.


Khởi động kéo dãn gân gót-cẳng chân trước khi đi bộ


Khởi động kéo dãn cổ tay trước khi đánh cầu lông

Đối với môn đi bộ, bắt đầu đi từ chậm và nhanh dần về nhịp độ và cường độ, phối hợp với hít thở một cách nhịp nhàng. Sau khi chơi thể thao, cơn đau sẽ là tín hiệu báo cho biết buổi tập hôm đó đã bị quá tải và phải giảm lại vào ngày hôm sau.


Tư thế đi bộ đúng cách

Mang giày thể thao vừa chân, đế êm, không cố gắng tập quá sức và cần phải tư vấn bác sỹ nếu có các bệnh lý nội khoa kèm theo.

“Khi đau người tập phải ngừng chơi ngay, chườm lạnh và uống thuốc kháng viêm. Không nên bôi dầu nóng, rượu thuốc vào các chỗ đau, vì càng làm tăng nặng thêm tình trạng viêm. Nắn bẻ không đúng cách càng làm rách gân thêm,” BS. Trọng Anh cảnh báo.

You may also like

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *